Giáo sư Phạm Minh Hạc: Nhiều việc liên quan đến giáo dục thiếu căn cứ khoa học

Thứ ba - 29/07/2014 15:32
Trong câu chuyện với phóng viên Báo Năng lượng Mới, Giáo sư Phạm Minh Hạc cho rằng, con số thất nghiệp của cử nhân phải trên 100 nghìn. Và sở dĩ có hiện tượng này là bởi do hàng chục năm nay chúng ta đã ồ ạt đào tạo, thậm chí có không ít trường đại học bất chấp mọi biện pháp để tuyển sinh chỉ vì tiền. Nhưng quan trọng nhất là việc chúng ta thiếu một cơ quan nghiên cứu điều tra một cách tổng thể về nguồn nhân lực.
gspham minh hac giaoducnetvn
gspham minh hac giaoducnetvn

Tỉnh nào cũng có trường đại học

PV: Theo con số của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, có 72 nghìn cử nhân thất nghiệp. Trong việc này, theo giáo sư trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ở đâu, thưa giáo sư?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Con số này hơi cũ, tôi e rằng thực tế còn lớn hơn. Trước đó, đã từng có con số là 134 nghìn cử nhân thất nghiệp, gấp đôi con số của bộ. Rõ ràng là cho đến bây giờ, các cơ quan có trách nhiệm chưa có thống kê đầy đủ và không điều tra kỹ lưỡng để tìm nguyên nhân. Trên báo chí trong vòng mấy tháng nay, khi kỳ thi đại học, cao đẳng chuẩn bị, có nhiều bài báo nói hàng nghìn cử nhân đi học nghề để kiếm được việc làm, bảo đảm cuộc sống. Riêng tôi, với tư cách là người làm giáo dục nhiều năm, tôi thấy đây là một vấn đề rất lớn.

Nói chung nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của đất nước, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc hội nhập quốc tế. Hiện nay, cạnh tranh trong khu vực và thế giới, nhất là chúng ta đang trong giai đoạn đàm phán hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương, nghĩa là hội nhập quốc tế rất sâu rộng nên nếu nói về cạnh tranh thì nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định nhất. Thế mà, chúng ta lại để xảy ra tình trạng này.

PV: Nhưng dường như hàng chục năm nay chúng ta chưa chú trọng đến vấn đề này?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Trước Nhà nước ta chỉ có “Hội đồng Quốc gia về giáo dục” nhưng trong khoảng 1 năm nay đã đổi tên thành “Hội đồng Giáo dục quốc gia và nguồn nhân lực”, trong khi các nước trên thế giới đã có hội đồng này từ lâu. Các bộ, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội chỉ phụ trách lao động có kỹ thuật, nghĩa là công nhân kỹ thuật, nhiều lắm cũng chỉ đến cao đẳng kỹ thuật, trong khi các bộ khác, bộ nào chỉ lo nhân lực bộ đó. Các địa phương nơi thừa, nơi thiếu nhân lực, sự di chuyển của các lực lượng lao động từ miền Trung vào miền Nam… rồi cả nước ta hiện nay có khoảng trên 50% lao động nông nghiệp, trong đó bao gồm cả nông, lâm, ngư nghiệp. Nhưng không ai quản lý việc này, lao động nông nghiệp như thế nào cũng không biết. Chúng ta thiếu nghiên cứu điều tra một cách tổng thể.

Cách đây nhiều năm trong những chương trình nghiên cứu do tôi làm chủ nhiệm, như đề tài 07 năm 1991-1996 hay đề tài KX 04 rồi đến KX05, đến năm 2001-2006 có nghiên cứu về vấn đề con người văn hóa và nguồn nhân lực. Nhưng những kết quả đó chưa được sử dụng nhiều lắm. Tôi với tư cách là người phụ trách 3 chương trình này trong 15 năm có được trình bày với Bộ Chính trị 1 lần và một số tư liệu được mang ra phục vụ cho việc xây dựng văn bản, nghị quyết Đại hội XI năm 2011. Có nghĩa là những nghiên cứu về nhân lực không được ai lắng nghe, kể cả những nghiên cứu rất có lợi cho đất nước cũng không được sử dụng. Việc cử nhân thất nghiệp ai cũng thấy đó là một sự lãng phí lớn đối với Nhà nước, xã hội, gia đình và thậm chí lãng phí với cả chính bản thân các em.

PV: Vậy theo giáo sư, nguyên nhân là ở đâu?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Nói về nguyên nhân thì có nhiều nhưng trong ngành giáo dục đã có nói trực tiếp. Khoảng 5, 7 năm chúng ta mở trường đại học một cách ồ ạt, bây giờ nói cả trường đại học và cao đẳng có gần 500 trường, riêng đại học có thể tới gần 20 trường, tỉnh nào cũng có đại học, ví dụ Đồng Nai có tới 15 trường hay Nghệ An có 7 trường. Một tỉnh có khoảng 5-7 triệu dân mà có tới 5-10 trường đại học thì không hiểu được chính sách phát triển đại học của chúng ta như thế nào. Hai nữa là tuyển sinh ồ ạt.

Chúng ta có tư tưởng chạy theo tiêu chí của thế giới là số sinh viên trên vạn dân, chúng ta đã đạt được khoảng 210 sinh viên trên vạn dân, đó cũng là khá nhưng chúng ta lại muốn rất cao, khoảng 400 sinh viên trên vạn dân nên mở trường nhiều. Không ai hiểu được là phát triển trường đại học phải đi theo sự phát triển kinh tế. Trình độ kinh tế của chúng ta cho phép đến đâu chúng ta không tính đến.

Nước ta bình quân đầu người một năm chỉ trên 1.000USD, vẫn là rất thấp. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, nước ta phải đến năm 2052 mới đạt được mức trung bình. Bây giờ có nhiều nước 70% học sinh lớp 12 vào được đại học thì mức GDP của người ta đã ở mức 30, 40 nghìn USD/người. Nhưng mình còn là nước nông nghiệp, hơn 70 phần trăm dân cư là nông thôn nhưng chúng ta không phải chỉ phát triển ồ ạt là hiện tượng, bản chất là gì?

Bây giờ nguồn nhân lực có tính tỷ lệ một kỹ sư thì cần bao nhiêu cao đẳng để phụ trách một ca hay một phân xưởng, bao nhiêu công nhân lành nghề và bao nhiêu lao động phổ thông. Cái đó người ta gọi là hình tháp giáo dục, nước ta không ai nghiên cứu cái này cả. Chúng ta đã làm nhiều việc liên quan đến giáo dục mà thiếu căn cứ khoa học.

 

Một vấn đề rất lớn nữa là cơ cấu ngành nghề đào tạo và cơ cấu lao động. Hai nội dung đó phải gắn bó với nhau như thế nào. Như năm 2013, Bộ GD&ĐT cắt giảm 206 ngành không được đào tạo nhưng sau bị kiện và bộ lại cắt bớt từ 206 ngành còn 90 ngành. Đấy là vấn đề cơ cấu, làm hỏng rồi chữa thôi chứ không hoạch định trước được. Cơ cấu đào tạo và cơ cấu nguồn nhân lực ở từng địa phương, từng vùng rồi đi xuất khẩu lao động như thế nào không ai tính toán cả. Cuối cùng dẫn đến chất lượng đào tạo, không thể ra được những kỹ năng nghề nghiệp tương xứng. Học đại học, cao đẳng đấy nhưng lại không hành nghề được.

Giáo dục phải phi lợi nhuận

PV: Giáo sư nghĩ sao về sự liên quan giữa con số cử nhân thất nghiệp với việc đào tạo của các trường ngoài công lập. Theo ông, những trường đại học tư thục ở nước ta mở ra với mục đích chính là để kiếm tiền hay dạy học?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Khó nói mục tiêu của họ là gì. Theo Luật Giáo dục cho phép các trường hoạt động theo hai hướng phi lợi nhuận và lợi nhuận. Gần đây có ông Thomas J. Vallely người Mỹ là chủ nhiệm chương trình Việt Nam của Trường đại học Havard nói rằng, làm giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng không thể nào vụ lợi được, ngay cả ở nước Mỹ không có trường đại học nào vụ lợi. Ông Vallely cũng nói làm giáo dục mà vụ lợi nhất định sẽ lỗ. Cách đây khoảng 8 năm tôi đã có những bài lên án những trường thương mại hóa giáo dục. Làm giáo dục phải phi lợi nhuận. Trường không phải là chợ, giáo dục không phải hàng hóa. Lúc đó nhiều người còn phản đối cho rằng, tôi là người bảo thủ. Nhưng vài năm gần đây người ta bắt đầu tỉnh ngộ và nhất là năm 2013. Tôi rất tiếc là trong Luật Giáo dục cho phép cả những trường lợi nhuận.

PV: Giáo sư có nghĩ rằng hiện nay có không ít trường đại học ở ta vẫn “cố đấm ăn xôi” không, thưa giáo sư?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Tôi nghĩ trong số các trường đại học Việt Nam có thất bại, một trong những lý do thất bại là chất lượng giáo dục không tốt và thương mại hóa. Ngày nay, kể cả những cấp học khác, nếu vụ lợi cũng thất bại. Nhất là vấn đề cơ cấu, đào tạo rất nhiều về ngành quản trị, tài chính hay ngoại thương chẳng hạn. Đào tạo kiểu gì mà 400, 500 sinh viên ngồi hội trường nghe giảng chứ không có thực tập mà cũng không thực hành vì như vậy sẽ mất thời gian và mất tiền. Chúng ta đã để tình hình xảy ra như vậy. Hiện giờ không thể quy kết trường này trường khác nhưng trên báo đã nêu vài trường rất tồi tệ, có khi 3, 4 năm cũng chỉ có vài trăm sinh viên.

Nhưng lại có nghịch lý là có những trường rất đông sinh viên, như Văn Lang chẳng hạn, người ta tranh nhau bán hay như Trường Chu Văn An có một người không phải chuyên gia về giáo dục nhưng có tiền và đã mua toàn bộ trường đó, còn những người thành lập trường lại bị gạt ra ngoài. Tình hình rất lộn xộn và tồi tệ.

Chính trong các trường dân lập cũng đã có không ít trường tư tưởng thương mại hóa rất rõ rệt. Biểu hiện cụ thể là mở những ngành không cần thiết, khi tuyển sinh thì đấu tranh với Bộ GD&ĐT hạ điểm để có nhiều học sinh, thu nhập nhiều ắt lãi nhiều. Bạn không biết chứ phần lớn những cổ đông của trường có lãi cao hơn ngân hàng, ví dụ ngân hàng có lãi suất 8% thì họ phải lãi gấp đôi.

Những vấn đề này lẽ ra phải được nghiên cứu tỉ mỉ nhưng không ai đứng ra nghiên cứu và chấn chỉnh sai lầm. Chúng ta phải xử lý nếu muốn nâng cao chất lượng. Chính vì tâm lý bằng cấp khoa cử còn quá nặng trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh học sinh, trong xã hội đã khiến nhiều cá nhân lợi dụng tâm lý đó để thương mại hóa nhà trường. Có lẽ cách giảm bớt các ngành đào tạo là một cách chấn chỉnh.

PV: Nhưng việc để có quá nhiều trường đại học được mở ra thì trách nhiệm cũng là ở Bộ GD&ĐT, thưa giáo sư?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Không phải. Gần đây bộ mới có quyền quyết định đối với các trường cao đẳng còn từ trước đến nay, chỉ có Thủ tướng Chính phủ hoặc Thủ tướng ủy quyền cho Phó thủ tướng mới cấp giấy thành lập trường. Bộ GD&ĐT cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư chỉ là nơi làm tờ trình.

PV: Kể cả làm tờ trình, nếu không được Bộ GD&ĐT đồng ý thì sao lên tới Chính phủ được?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Đó là vấn đề khác mà tôi không thể trả lời vì nó nằm ngoài khả năng.

PV: Vậy giáo sư nghĩ thế nào về việc một số trường đại học có đầu vào thì thấp, nhưng đầu ra thì lại có quá nhiều bằng khá, giỏi. Nghịch lý này đã tồn tại khá nhiều năm nay?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Dân lập 100 em có thể có 1 em rất giỏi, trường công lập cũng có vài em kém chẳng hạn.

PV: Nhưng bằng cấp lại ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của sinh viên khi họ phải thi công chức sau khi ra trường, thưa giáo sư?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Chuyện tuyển công chức chính tôi đề nghị lâu rồi. Ví như ngành giáo dục nhiều nước họ để nhà trường tuyển chứ không phải Sở Nội vụ tuyển, ở đây thừa toán anh vẫn tuyển toán, thiếu văn lại không tuyển văn. Bây giờ tốt nghiệp dân lập, tư thục ở tỉnh là “con ông cháu cha” vẫn vào bình thường. Ở địa phương cứ tiêu chuẩn đại học là tuyển. Ở ta vấn đề đó thiếu khách quan không như những nơi khác, họ có cách tuyển. Nhưng vấn đề này dường như đang không có cách giải quyết.

 

PV: Trước tình hình thất nghiệp nhiều như vậy, tại sao Bộ GD&ĐT không có biện pháp quyết liệt để điều chỉnh về vấn đề tuyển sinh, thưa giáo sư?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Người ta đang làm, như bớt các ngành để cho cơ cấu đào tạo phù hợp hơn với cơ cấu nhân lực. Nhưng hiện giờ vẫn có nhiều phương án và khá phức tạp. Hiện bộ đã triển khai 5 phương án, trong đó vẫn giữ điểm sàn. Các trường định lấy điểm nào là điểm sàn cũng phải công khai minh bạch cho xã hội biết. Nghĩa là họ cũng không được tự do hoàn toàn mà vẫn phải ở trong tiêu chí nhất định do Bộ quy định, chẳng hạn điểm thi quá thấp anh không thể vào học được. Hiện chưa biết sẽ diễn biến theo phương án nào nhưng bản thân bộ không thể cắt giảm lượng sinh viên một cách ồ ạt.

PV: Bộ GD&ĐT không tính đầu ra cho sinh viên, cứ đào tạo như bây giờ khác gì đem con bỏ chợ, thưa giáo sư?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Lâu nay có một quan điểm vẫn tồn tại: Phụ trách giáo dục là đào tạo, còn đào tạo ra làm gì là việc của người khác. Một quan niệm rất sai lầm. Vấn đề chất lượng và cơ cấu đào tạo phải bám sát cơ cấu nguồn nhân lực của tương lai gần, của dài hạn, khía cạnh đó không ai để ý đến. Bộ cũng chỉ được 1 phần thôi. Hiện nay ngành nào tự đào tạo nhân lực ngành đó.

Chúng ta không nên chỉ lên án Bộ GD&ĐT vì làm được điều này cần sự phối hợp liên ngành.

PV: Vậy theo giáo sư, giải pháp để khắc phục tình trạng này là gì?

Giáo sư Phạm Minh Hạc: Giải pháp cũng nhiều nhưng trước hết là vấn đề hướng nghiệp. Lúc tôi còn làm Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, nghiên cứu rất nhiều về hướng nghiệp và đã có văn bản trình bộ nhưng dần nó lại quên lãng. Khoảng năm 1990 trở đi họ quên gần hết nên giờ các trường có tình trạng chỉ vài chục phần trăm sinh viên biết rõ mình định chọn ngành gì và theo hướng nghiệp như thế nào. Còn lại khoảng 2/3 những thí sinh thi đỗ mà không có hướng nghiệp. Trên thế giới người ta làm vấn đề này rất kỹ, có khi từ tiểu học. Ở Pháp từ lớp 7, nhiều nước từ lớp 9, 10, nhà trường kết hợp cùng gia đình, xã hội. Việt Nam thì chỉ có các nhà báo đứng ra làm chứ các trường cũng không. Ở TP HCM mỗi trường có một chuyên gia tâm lý làm công việc đó, nhưng cũng chỉ có ở bậc THPT còn những nơi khác lại không. Điều này phải hỏi Bộ GD&ĐT sao không có quy chế. Hội Tâm lý giáo dục ở Việt Nam đã kiến nghị nhưng chỉ có TP HCM áp dụng trong khoảng 5 năm nay.

Cả xã hội chìm đắm trong tâm lý phải có bằng đại học, hàng xóm có nhà mình cũng phải có. Bằng đại học là cái gì? Ra đời có giúp được gì không?… Cơ quan quản lý giáo dục Nhà nước cũng chạy theo tâm lý đó, nghĩa là quá nặng về tổ chức thi cử. Thi cử chỉ là khâu cuối cùng của việc dạy học, như Bác Hồ nói dạy tốt học tốt thì thi tốt. Quan trọng nữa là vấn đề quản lý Nhà nước. Bây giờ không thể chỉ tên, mặt được nhưng rõ ràng trong giáo dục hiện nay đang có tư tưởng thương mại hóa và vụ lợi.

PV: Xin cảm ơn giáo sư!

Box 1: Theo Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, trong quý IV/2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp (tăng 48.000 người so với cùng kỳ 2012) và hơn 1,2 triệu lao động trong độ tuổi thiếu việc làm. Ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng nghề, tỷ lệ thất nghiệp là 7,68%, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ 2012 (tương đương 8.300 người), tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng là 6,74%, tăng 1,3 lần (khoảng 19.200 người). Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học trở lên là 4,25%, tăng 1,7 lần. Như vậy, cả nước hiện có khoảng 72.000 lao động có trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ đang thất nghiệp.

Cũng theo thống kê mới nhất, nhóm thanh niên từ 20-24 tuổi tốt nghiệp cao đẳng và đại học trở lên (sinh viên mới ra trường) có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75%. Tỷ lệ này ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn nhiều so với không có chuyên môn kỹ thuật: 54,4% so với 39,6%.

Box 2: “Bất kỳ một nền giáo dục đại học có chất lượng nào đều có một số đặc điểm mang tính phổ quát, vượt ra khỏi bối cảnh địa phương. Những trường đại học xuất sắc nhất trên thế giới có chung một số thuộc tính cơ bản, trong đó bao gồm tự do học thuật, trọng dụng nhân tài và minh bạch. Nỗ lực cải thiện giáo dục đại học mà bỏ qua những phẩm chất vô hình này thường không bao giờ đem lại kết quả mong muốn. Các trường đại học nên bắt rễ sâu từ nền văn hóa bản địa, nhưng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu dùng văn hóa bản địa là cái cớ để hạn chế những nguyên tắc cốt lõi của đại học, như tự do học thuật chẳng hạn”. (Thomas J. Vallely)

Tác giả: Thái Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản mới

1360/PGDĐT

Ngày ban hành: 13/08/2024. Trích yếu: Triển khai hồ sơ cấp lại bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc

Ngày ban hành: 13/08/2024

1080/PGDĐT

Ngày ban hành: 18/07/2024. Trích yếu: Triển khai hồ sơ chuyển trường đối với học sinh trung học cơ sở

Ngày ban hành: 18/07/2024

299/PGDĐT

Ngày ban hành: 11/03/2024. Trích yếu: Triển khai khảo sát thực trạng phát triển năng lực số cho học sinh THCS

Ngày ban hành: 11/03/2024

162/PGDĐT

Ngày ban hành: 31/01/2024. Trích yếu: Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các cơ sở giáo dục năm 2024

Ngày ban hành: 31/01/2024

293/PGDĐT-TCCB

Ngày ban hành: 08/03/2024. Trích yếu: Triển khai một số nội dung liên quan đến việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức

Ngày ban hành: 08/03/2024

Truyền hình giáo dục
Thăm dò ý kiến

Bạn chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nào để thanh toán các khoản phí quy định của nhà trường?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay294
  • Tháng hiện tại79,982
  • Tổng lượt truy cập1,742,538
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây